Các lãnh đạo EU chất vấn ông Tập Cận Bình về thương mại tại cuộc gặp thượng đỉnh Paris
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết: ‘Chúng tôi sẵn sàng sử dụng tối đa các công cụ phòng vệ thương mại của mình nếu điều này là cần thiết.’
Liên minh Âu Châu đã chất vấn Trung Quốc về các hoạt động thương mại không công bằng khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức nhằm củng cố mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Âu Châu.
Sau cuộc gặp ba bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ông Tập hôm thứ Hai (06/05), Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên rằng các sản phẩm được trợ cấp của Trung Quốc — chẳng hạn như xe điện và thép — “đang tràn ngập thị trường Âu Châu”, nhưng Bắc Kinh vẫn “tiếp tục trợ cấp ồ ạt cho lĩnh vực sản xuất của họ” trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu. “Thế giới không thể hấp thụ được sản lượng dư thừa của Trung Quốc.”
Ông Tập đã đến Paris hôm chiều Chủ Nhật (05/05), bắt đầu chuyến thăm châu Âu đầu tiên sau 5 năm. Các nhà quan sát bên ngoài cho rằng chuyến đi kéo dài sáu ngày của ông Tập được Bắc Kinh sắp xếp nhằm tạo ra sự chia rẽ giữa Brussels và Hoa Thịnh Đốn, vì hai bên hiện đang nhất quán trong cách tiếp cận của họ nhằm giải quyết các mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra.
Cuộc gặp ba bên hôm thứ Hai diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên nhiều phương diện giữa khối 27 thành viên này và Trung Quốc, từ cuộc chiến ở Ukraine và sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Nga cho đến ngành sản xuất đang bùng nổ trong các lĩnh vực năng lượng xanh của họ, như xe điện (EV) và pin.
Tháng Mười Một năm ngoái (2023), để thể hiện rõ ràng cam kết của EU đối với thương mại công bằng, bà von der Leyen đã thông báo rằng Ủy ban Âu Châu — cơ quan điều hành của EU — đã chính thức khởi xướng một cuộc điều tra để xác định xem liệu xe điện sản xuất tại Trung Quốc có được hưởng lợi từ trợ cấp nhà nước hay không. Tháng 12/2023, Brussels đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với dầu diesel sinh học nhập cảng từ Trung Quốc sau khi các nhà sản xuất trong khối bày tỏ lo ngại về tác hại nghiêm trọng mà hàng nhập cảng giá thấp của Trung Quốc gây ra cho ngành này.
Vài tháng trước chuyến thăm của ông Tập, EU đã điều tra một số lĩnh vực nhất định ở Trung Quốc, chẳng hạn như sản xuất tuabin phong năng và tấm pin quang năng, và gần đây nhất là việc mua sắm thiết bị y tế của Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, bà von der Leyen cho biết EU sẵn sàng hành động để bảo vệ các doanh nghiệp của mình khỏi sự tiếp cận thị trường bất bình đẳng của Bắc Kinh.
“Để thương mại được công bằng, việc tiếp cận thị trường của nhau cũng cần phải có đi có lại,” bà nói trong cuộc họp báo ở Paris. “Chúng tôi sẵn sàng tận dụng tối đa các công cụ phòng vệ thương mại của mình nếu điều này là cần thiết.”
“Châu Âu không thể chấp nhận những hành vi bóp méo thị trường có thể dẫn đến phi công nghiệp hóa ngay tại quê nhà.”
Bà von der Leyen mô tả mối quan hệ của Brussels với Bắc Kinh là phức tạp, nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo Âu Châu tiếp cận mối quan hệ này một cách “sáng suốt, mang tính xây dựng, và có trách nhiệm.”
Bà nói thêm: “Đồng thời, châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và an ninh của mình.”
Nói chuyện sau đó cùng ông Tập sau khi hai người đã gặp nhau nhiều lần trong ngày, cùng nhau duyệt binh, và liên tục bắt tay trước ống kính, ông Macron nói với các phóng viên: “EU ngày nay có thị trường cởi mở nhất thế giới … nhưng chúng tôi muốn mình có khả năng bảo vệ thị trường này.”
Lập trường mạnh mẽ hơn của EU về thương mại với Trung Quốc phù hợp với cách tiếp cận của Hoa Thịnh Đốn. Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã cảnh báo Trung Quốc rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ không chấp nhận để các ngành công nghiệp mới bị “tàn phá” vì hàng nhập cảng Trung Quốc.
Theo bản tóm lược cuộc gặp do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, ông Tập nói với bà von der Leyen và ông Macron rằng đối thoại là cần thiết để “giải quyết những xung đột kinh tế và thương mại.”
Tuy nhiên, lãnh đạo ĐCSTQ đã bác bỏ những lời chỉ trích về tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của nước này, nói rằng vấn đề này “không tồn tại từ góc độ lợi thế so sánh hay xét về nhu cầu toàn cầu.”
Tuyên truyền
Chuyến thăm châu Âu của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang chật vật với nền kinh tế đang chậm lại do cuộc khủng hoảng địa ốc kéo dài, niềm tin kinh doanh yếu kém, và nợ chính quyền địa phương ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và tranh đấu chính trị nội bộ bên trong ĐCSTQ leo thang, ông Tập Cận Bình muốn trấn an công chúng Trung Quốc. Các nhà quan sát bên ngoài cho rằng chuyến đi châu Âu của ông, bao gồm cả các điểm dừng ở Hungary và Serbia, mang đến cơ hội hoàn hảo để tuyên truyền trong nước.
Trước chuyến đi của ông Tập, ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), chuyên gia về an ninh Âu Châu và quan hệ quốc tế tại Đại học Đạm Giang của Đài Loan, nói với The Epoch Times: “Hungary là quốc gia thân thiện với ĐCSTQ nhất trong Liên minh Âu Châu, trong khi Serbia là quốc gia ngoài EU thân thiện nhất ở châu Âu.”
Ông Trịnh nói thêm: “Ông Tập rất dễ dàng nhận được sự tiếp đón cấp cao ở hai nước, điều sẽ được sử dụng cho các hoạt động tuyên truyền trong nước và giới thiệu điều mà họ gọi là một ‘thành tựu lớn’ trong chuyến công du đến ngoại quốc của ông Tập.”
Khi mối quan hệ của EU với Trung Quốc tiếp tục căng thẳng vì sự đàn áp nhân quyền, chính sách thương mại không công bằng, và các vấn đề khác của Bắc Kinh, thì Hungary đã duy trì mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với ĐCSTQ. Budapest là một quốc gia thành viên trong nền tảng 16+1 của Bắc Kinh, một sáng kiến mà ĐCSTQ sử dụng để tăng cường mối bang giao với các nước Trung và Đông Âu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, kinh tế, và công nghệ.
Sau khi ông Tập khởi xướng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đặc trưng của mình vào năm 2013, Hungary là một trong những thành viên EU đầu tiên tham gia dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD này. Thủ tướng Hungary Viktor Orban là lãnh đạo EU duy nhất tham dự một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tháng Mười Một năm ngoái để kỷ niệm 10 năm BRI.
Trong một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của ĐCSTQ ở Budapest, các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đã được phép thực hiện tuần tra chung ở một số địa điểm trên khắp Hungary như một phần của gói thỏa thuận an ninh mà chính phủ ông Orban đã ký với ĐCSTQ, làm dấy lên lo ngại về an ninh ở Brussels.
Đối với Serbia, một ứng cử viên để gia nhập Liên minh Âu Châu, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào quốc gia Balkan này, chủ yếu dưới dạng các khoản vay ưu đãi cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng, như một phần trong sáng kiến BRI nhằm mở rộng liên kết thương mại với ngoại quốc. Ông Tập đã mô tả Serbia là “bằng hữu sắt đá” của nhà cầm quyền này.
Ngay cả ngày thực hiện chuyến công du châu Âu của ông Tập cũng được lựa chọn cẩn thận. Ông Trịnh lưu ý rằng ông Tập có thể sẽ dừng chân ở Serbia vào đúng dịp 25 năm xảy ra việc Hoa Kỳ đánh bom gây tử thương vào đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Vụ việc xảy ra hôm 07/05/1999 này đã khiến ba ký giả Trung Quốc thiệt mạng, và được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin là một cuộc tấn công có chủ ý của quân đội Hoa Kỳ vào thời điểm đó và gây ra sự phẫn nộ đáng kể ở Trung Quốc. Hàng ngàn người biểu tình đã tấn công đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh và các thành phố khác của Trung Quốc.
Hoa Kỳ mô tả cuộc tấn công này là một “sai lầm” và liên kết nguyên nhân của vụ đánh bom với các bản đồ lỗi thời, trong khi Tổng thống đương thời Bill Clinton đã đưa ra lời xin lỗi chính thức. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn thường lợi dụng sự kiện này để chỉ trích Hoa Thịnh Đốn nhằm kích động tình cảm chống Mỹ.
Trong chuyến thăm cuối cùng của ông Tập tới quốc gia Balkan này vào năm 2016, điểm dừng chân đầu tiên của ông là địa điểm cũ của đại sứ quán Trung Quốc, bày tỏ lòng kính trọng đối với những người Trung Quốc đã thiệt mạng trong vụ đánh bom năm 1999. Trong khi đưa tin về chuyến đi của ông Tập, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã đã gọi vụ việc là một “cuộc tấn công man rợ bằng hỏa tiễn” vào đại sứ quán Trung Quốc diễn ra trong một chiến dịch “đánh bom trắng trợn” của NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Mục đích chia rẽ châu Âu
Ông Trịnh cho biết, ngoài lý do hoạt động tuyên truyền trong nước của Trung Quốc, ông Tập còn muốn ngăn cản Brussels tạo ra một trận doanh thống nhất với Hoa Thịnh Đốn. Ông Trịnh cho rằng đây là “mục đích quan trọng nhất” trong chuyến đi của lãnh đạo ĐCSTQ.
Nhưng những nỗ lực của ông Tập có thể sẽ thất bại.
Theo ông Trịnh, mặc dù hiện tại Trung Quốc có thể sử dụng các doanh nghiệp Âu Châu bị thị trường nước này thu hút để gây áp lực buộc các chính phủ tương ứng của họ tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh, nhưng sự suy thoái ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nghĩa là những chiến thuật như vậy có thể sẽ không còn hiệu quả trong tương lai.
Ông Trịnh nói: “Mặc dù ông Tập Cận Bình nỗ lực hết sức để thu phục các đối tác Âu Châu thông qua ép buộc hoặc xúi giục, nhưng xu hướng chung là không có lợi cho ông ấy về lâu về dài.”
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times